Mấy ngày hôm nay dân làng Vũ Đại đang xôn xao bàn tán chuyện trên Tổng (Làng Vũ Đại thuộc tổng Hà Nam) đang dự định áp đặt giá sàn cho món cá kho. Chả là xưa nay nhà cụ Bá Kiến vốn được triều đình giao cho kinh doanh món ăn này.
Ngày ấy dân làng còn nghèo, bữa cơm mà có được con tép, con cua hay miếng thịt mỡ thôi đã là hạnh phúc lắm. Cho nên với đa phần dân làng Vũ Đại, món cá kho nhà cụ Bá là cái gì đó rất xa xỉ, không phải ai cũng với tới được.
Trong một thời gian dài, nhắc tới món cá kho cụ Bá là nhắc tới sự sang chảnh. Hình ảnh các anh kho cá áo trắng thắt ca-ra-vat hiện đại cùng với các chị bán cá váy đụp yếm đào đậm chất truyền thống luôn là hình mẫu lý tuởng cho nam thanh nữ tú trong làng suốt mấy thập kỷ. (Riêng có mấy thằng sợ sửa nồi thì đéo bao giờ thấy được nhắc đến).
Trở lại chuyện giá cả. Giá cá kho nhà cụ Bá trước giờ cao ngất, chả phải là cụ muốn bán giá cao để lấy lãi nhiều đâu, mặc dù bao nhiêu lâu một mình cụ một chợ. (Thật ra thì cũng chả phải một mình hoàn toàn, ngoài cụ ra thì triều đình cũng giao vốn cho hai đứa nữa để kinh doanh cá kho, trong đó có một đứa còn liên doanh với một thằng Tây mũi lõ nữa cơ, nhưng mà cụ chả ngại, vì bọn nó cũng là người của triều đình, là anh em trong nhà cả nên cụ chả sợ. Với lại bọn đấy thị phần chả bằng cái móng tay nên cụ chả thèm quan tâm. Ngoài hai thằng đấy thì cũng có mấy đứa tay ngang nhảy vào kho cá, nhưng sau vài năm bọn đấy cũng chạy mất dép, dù cụ chưa phải động tay động chân gì cả).
Giá cá nhà cụ cao vì cụ phải chi nhiều thứ nguyên vật liệu cho việc kho cá lắm: nồi kho cá nhà cụ toàn là loại xịn nhất, mới nhất, full option, nhập từ tận bên Tây, mà cụ là cụ mua đứt chứ cụ chả thèm thuê nồi đâu nhé. Rồi tiền củi, tiền củi để kho cá chiếm tới hơn một nửa giá thành nồi cá rồi nhé. Rồi còn đội ngũ quản lý nữa, để làm đuợc một mẻ cá kho, phải qua bao nhiêu công đoạn, quy trình, mỗi công đoạn cần bao nhiêu là nhân lực. Ví dụ như việc bảo duỡng nồi kho cá, nồi nhà cụ kho suốt ngày đêm, thế nên cụ cần ít nhất 4 đội làm 3 ca. Mỗi đội cần một đội trưởng và một đội phó. Dưng mà nhà cụ kho nhiều loại nồi cá khác nhau, nên các đội lại chia thành nhiều tổ, mỗi tổ lại có một tổ trưởng và một tổ phó. (Hôm trước cũng có đứa ý kiến với cụ là cấp quản lý đéo gì mà lắm thế? Cụ chả nói chả rằng, vất luôn ra trước mặt nó tờ báo đang đọc dở bài báo về một cái sở có nhõn một nhân viên với gần ba chục anh chuyên viên quản lý. Thế là thằng kia im lặng rút lui luôn). Đấy, nhân lực như thế, chi phí như thế, bảo sao cá nhà cụ không bán giá cao cho được? Mà cụ cứ bán giá thế đấy, đứa nào mua thì mua, không mua thì thôi. Cả cái làng Vũ Đại này coi như có mỗi cụ bán cá kho, chúng nó cần cụ, chứ cụ đếch cần chúng nó, nhá!
Thế rồi cách đây 5 năm, lại có đứa mon men làm nghề bán cá kho như cụ. Lúc đấy cụ cười khẩy nghĩ bụng "Để xem được mấy nả, đợi vài năm xem có nhe răng như mấy đứa trước hay không? Nồi kho thì không có, đứa kho cá toàn phải thuê từ bên Tây, mấy đứa bán cá thì quần đùi áo cộc, chả giống ai. So thế nào được với hãng cá nhà cụ".
Thế rồi chính sự chủ quan đó đã khiến cụ phải trả giá, liên tiếp dính đòn choáng váng. Đầu tiên là nhân sự, thay vì thuê Tây kho cá, bán cá và sửa nồi, hàng loạt nhân sự nhà cụ kéo nhau qua hãng cá kho mới khiến cụ phải lật đật tăng lương cho những đứa còn lại, thậm chí cụ còn định giá bọn thợ sửa nồi, rồi bắt bọn nó ký hợp đồng bán thân một cách rất vô lý (hậu quả là sau đó thêm một lượng lớn thợ sửa nồi cất bước ra đi).
Sau đó cái bọn mới kia nó liên tục tung chiêu quảng cáo, mời toàn mấy đứa mặc bikini mông vú ngồn ngộn nhảy nhót múa may. Đến cụ còn thấy rung rinh chứ nói gì khách mua cá. Rồi thì bọn nó giảm giá cá vung xí mẹt, thậm chí có khi nó bán cá giá 0 đồng. Lúc này dân làng Vũ Đại bắt đầu nhộn nhịp ăn cá. Vì cá bây giờ không còn là xa xỉ phẩm nữa. Từ tầng lớp tiểu thương như bà dì con Nở, đám công chức như bọn Binh Tư, trí thức nghèo như anh giáo Thứ hay thậm chí là nông dân như lão Hạc cũng có cơ hội ăn cá. Nhưng mà riêng cụ Bá thì chả quan tâm lắm, vì trong mắt cụ, cái hãng cá tí teo, nồi thì lèo tèo được vài cái, nhân sự thì loe ngoe, giao cá hay bị chậm (nhà cụ nồi một đống mà còn giao cá chậm bỏ mẹ ra, vài cái nồi loe ngoe thì còn chậm vỡ mặt).
Như để đáp lại lời cụ Bá, không lâu sau cái hãng mới đấy nó mua luôn hơn trăm cái nồi mới. Dù không phải loại nồi to và full option như nhà cụ, dưng mà nó mua như mua sỉ rau ở chợ đầu mối khiến cụ cũng thấy choáng.
Đến khi đó thì cụ Bá bắt đầu để ý, cụ bắt đầu nhìn thấy mối đe dọa từ cái hãng cá kho mới nổi. Cụ bắt đầu một loạt thay đổi, từ nhân sự, chính sách giá cá, chất lượng dịch vụ (cá của cụ mới đạt tiêu chuẩn 4 sao nhá).... Nhưng mà có vẻ như tất cả các thay đổi đấy cũng không cản được sự phát triển thần tốc của một hãng cá kho non trẻ. Vừa rồi nó còn lên sàn giao dịch, nghe đâu giá cổ phiếu tăng kịch trần tới mấy phiên liên tiếp, bây giờ giá cổ phiếu của nó còn gấp ba lần của nhà cụ. Giá trị vốn hoá nhà nó còn hơn cả hãng của cụ. Lại còn cái thị phần cá kho khiến cụ lo sốt vó, vì nguy cơ mất vị trí dẫn đầu đã sát đến đít rồi, lơ mơ năm nay hãng của cụ về nhì như chơi.
Tuy hiện nay trên Tổng và triều đình chưa có thông báo chính thức về việc áp dụng giá sàn cho món cá kho, nhưng theo những tin đồn thì các hãng cá kho anh em nhà cụ Bá rất tích cực ủng hộ dự luật này (có đứa còn nói chính cái hãng cá anh em nhà cụ là đứa đề xuất áp dụng giá sàn). Lý do đưa ra là để chia sẻ với các hãng xúc xích, vì nghe đâu đợt Tết vừa rồi xúc xích xếp dài như đoàn hoả xa mà chả có ai mua, vì giá cá kho rẻ quá, rẻ ngang, thậm chỉ rẻ hơn xúc xích.
Tuy chỉ mới là tin đồn nhưng người dân làng Vũ Đại vẫn hết sức xôn xao. Mấy anh công chức như Binh Tư thì lo phải mua xúc xích đi công tác (do hạn mức kinh phí), lão Hạc thì thở dài vì đang tính đặt cá kho sớm cho rẻ để cuối năm thằng con lão đi cao su về có cái đi hỏi vợ ở Tổng bên, nếu hãng mà không được bán cá giá rẻ thì cha con lão chỉ còn cách mua xúc xích. Riêng chỉ có anh giáo Thứ là băn khoăn chuyện khác, đọc lại bài báo lần nữa, gấp lại tờ nhật trình, anh giáo thở dài rồi lẩm bẩm như tự nói với mình: "Quái thật, không biết thằng Chí Phèo vào làm ở hãng cá từ lúc nào nhỉ?"